Lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp

Sự cần thiết của chuyển đổi số trong nông nghiệp

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp của cả nước đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp và quản trị nông thôn. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số cơ sở sản xuất đã sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy suất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), Block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn.

Trong lâm nghiệp ứng dụng công nghệ DNA mã vạch để quản lý giống và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. Trong thủy sản ứng dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. 

Tuy nhiên, nông nghiệp – nông thôn (NNNT) vẫn được coi là khu vực phát triển thấp, đang trong thời kỳ chuyển đổi, 10 năm tới buộc phải bứt phá để thoát khỏi bẫy trung bình, chuyển sang thời kỳ phát triển mới trong công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước.

Đó là quá trình chuyển đổi có nhiều thách thức chưa từng trải qua, phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với trào lưu chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra. Tham gia CĐS chính là nhu cầu cấp thiết của NNNT để có được chuyển đổi nhanh hơn.

Việc bỏ lỡ cơ hội CĐS trong NNNT sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của đất nước. Dù tỷ trọng GDP nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế quốc gia có giảm đi hơn nữa, thì NNNT vẫn giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, là bệ đỡ quan
trọng cho an ninh, an sinh, an dân của đất nước. Một trụ cột như thế cần phải có chiến lược phát triển bứt phá theo cách tiếp cận mới của CĐS.

Khái niệm chuyển đổi số trong nông nghiệp


Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Nói cách khác, chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình lựa chọn, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các lĩnh trong sản xuất – kinh doanh nông nghiệp để:
− Thực hiện số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trại, vận chuyển, chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật.
− Tạo ra sự kết hợp hữu cơ giữa công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ điều hành trong tổ chức tổ chức nông trại, các phân xưởng, cơ sở hạ tầng, tạo giống và các tác nghiệp nông nghiệp.
− Tự động hoá và thông minh hóa các hệ thống điều hành giữa thế giới thực và thế giới ảo các hoạt động trong chuỗi giá trị thực phẩm nông sản từ nông trại đến bàn ăn;
− Tạo điều kiện cho chuỗi thực phẩm nông sản diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững.

Tóm lại, chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình chuyển nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp số như thế hiện ở Sơ đồ.

Sơ đồ quá trình chuyển đổi nông nghiệp

Quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số trong nông nghiệp bao gồm các nội dung sau:

1) Xây dựng cơ sở dữ liệu- số hoá để có Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Minh chứng trên sản phẩm để làm sáng rõ về lịch sử, địa điểm, nơi chốn và ứng dung quy trình, phương pháp sản xuất, chất lượng của sản phẩm đó. Bao gồm: Nhận dạng sản phẩm nông nghiệp: đặc điểm sinh học, ưu thế của từng giống cây, con.

Số liệu chỉ dẫn địa lý: địa điểm, đất, nước, khí hậu nơi sản phẩm được sản xuất ra; Quy trình sản xuất được sử dụng: đầu vào được dùng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Người sản xuất/phân phối sản phẩm.

2) Số hoá phương pháp và quy trình sản xuất kết hợp giữa công nghệ vật lý – sinh học và quản lý trên nền tảng số: từ lựa chọn đầu vào – sử dụng – giám sát – kiểm tra – điều chỉnh trong sản xuất kinh doanh.

3) Xây dựng và nhập liệu tài khoản cho DN, HTX, trang trại, hộ nông dân.

4) Xây dựng và tạo kết nối giữa: cung cấp đầu vào – nông dân – thu gom – chế biến – bán buôn – bán lẻ – người tiêu dùng.

Lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp


Chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại những lợi ích sau đây:
1) Tạo ra sự liên tục trong sản xuất – kinh doanh, không kể thời gian hay không gian nhờ ứng dụng và duy trì các công nghệ quản lý và giám sát tiên tiến.
2) Tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí.
3) Tăng hiệu lực, hiệu quả của giám sát, đảm bảo quá trình sản xuất liên tục và hiệu quả nhờ cung cấp dữ liệu thời gian thực cho chuỗi cung ứng thời gian thực của nền nông nghiệp thời gian thực.
4) Tạo ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới.
5) Điều kiện làm việc tốt hơn vì ít lệ thuộc vào không gian, thời gian, thời tiết.
6) Kết nối hữu hiệu với khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị thực phẩm nông sản.
7) Các giao dịch minh bạch và tiện lợi hơn, đảm bảo lợi ích các bên; Tạo ra nhiều cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn.
8) Tạo cơ hội việc làm cho lao động có kỹ năng; Giúp tái cơ cấu các nông nghiệp, đổi chiến lược tăng trưởng từ dựa vào tài nguyên sang đổi mới và sáng tạo.

Điều kiện chuyển đổi số trong nông nghiệp

Để chuyển đổi số trong nông nghiệp cần phải có các điều kiện sau đây:

1) Phải có chính quyền số.

2) Hạ tầng số và Thiết bị số phát triển.

3) Người làm nông nghiệp (Nông dân, HTX, trang trại và doanh nhân) sẵn sàng cho nông nghiệp số.

4) Tăng kết nối.
– Chính quyền số có những đặc trưng sau: địa phương có quyết tâm chính trị cao, Dữ liệu dân cư phải được số hoá, Cung cấp dịch vụ hành chính công trên nền tảng số (Cấp độ IV). Cung cấp dịch vụ công (Khuyến nông, khuyến công, khuyến thương, thú y, BVTV, thủy lợi…) trên nền tảng số.
– Hạ tầng số và thiết bị số phát triển bao gồm: địa phương có sóng di động phủ kín và ổn định. Hiện ở Việt Nam còn 2.000 thôn chưa có sóng di động, chiếm 2%.
Mục tiêu  phủ hết toàn bộ sóng di động đến các vùng còn thiếu (Bộ Thông tin và truyền thông, 2021). Người dân tiếp cận được phương tiện truy nhập Internet. Hiện tại Việt nam có 8,6 triệu hộ nông thôn. Đến 2025: Một điện thoại thông minh và một đường Internet cáp quang/hộ (Bộ Thông tin và truyền thông, 2021).
– Người làm nông nghiệp sẵn sàng cho nông nghiệp số thể hiện ở: Biết và ứng dụng được công nghệ số vào sản xuất kinh doanh; Biết lựa chọn và ứng dụng quy trình công nghệ để đảm bảo sự khác biệt: sản xuất hữu cơ, VietGap, sản phẩm an toàn…Biết ghi chép, số hoá để tạo ra truy suốt nguồn gốc; Biết tạo kết nối và giám sát quá trình sản xuất kinh doanh với từng cánh đồng, cá thể vật nuôi trên nền tảng số.  Biết lên sàn thương mại: giới thiệu sản phẩm, quảng bá bán đầu ra và mua đầu vào.
– Tăng kết nối cung cấp đầu vào – sản xuất – thu gom – chế biến – bán buôn – bán lẻ-tiêu dùng, ứng dụng tối đa công nghệ số như Blockchain vào chuỗi giá trị nông sản.

Kết luận


Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị gia tăng cho nền kinh tế mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn sàng thay đổi, chấp nhận cái mới để hòa nhịp xu thế phát triển của đất nước.

Để chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công các bên liên quan phải làm cùng nhau, theo đó, cần dựa trên sự phát triển liên kết theo chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị trong ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số.

Nông nghiệp trong thời kỳ 4.0 sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sự thay đổi mạnh mẽ của Nông nghiệp Việt Nam.

Nguồn : Học viện Nông nghiệp Việt Nam

CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ HIPOTECH

Địa chỉ

116A/333 Văn Cao, P.Đằng Lâm, Quận Hải An, TP Hải Phòng

Mã số thuế

0202165798

Ngân hàng MB Bank

686829999

Giờ làm việc

Giờ hành chính từ thứ 2 đến hết sáng thứ 7

Hotline

024 8888 6899

Email

ceo@hipotech.vn hotro@farmgo.vn